Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Mua đồ cũ: tiết kiệm và văn hóa Anh

Người đăng: Tôi - Đi du học

Sinh viên du học Anh muốn mua sắm những món đồ hiệu với giá rẻ, hay muốn mua sắm quần áo mới mà không tốn quá nhiều tiền. Mua đồ cũ là sự lựa chọn hợp lý cho bạn.

Mua đồ cũ: tiết kiệm và văn hóa Vương Quốc Anh

Đến với Vương quốc Anh – và săn lùng những món hàng ‘second hand’!

Tái sử dụng, tái chế hoặc bán lại các bộ quần áo cũ là một trong những nét truyền thống ở Vương quốc Anh và ngày càng trở nên phổ biến hơn. Ngày càng có nhiều cửa hàng đồ cũ và các cửa hàng từ thiện ở hầu hết các thành phố hay thị trấn ở Anh.

Đừng nghĩ rằng ‘second hand’ có nghĩa là bạn phải đào bới giữa hàng đống thùng hàng giảm giá, hoặc vớ phải mảnh giấy mốc meo dưới đáy túi chiếc quần vừa mua. Khi mua sắm ở các chợ ‘second hand’ này, bạn vẫn có thể tìm thấy những món trang sức mới nguyên hoặc một vài tấm poster xinh đẹp hoặc cả một bộ muỗng nĩa mới cho ngôi nhà của mình. Không chỉ có sinh viên mà thậm chí cả những người nổi tiếng cũng là ‘fan ruột’ của xu hướng thời trang tái sử dụng này. Ca sỹ Lily Allen hay siêu mẫu Kate Moss là hai trong số những người nổi tiếng công khai thể hiện tình yêu với việc mua sắm các món hàng second hand này.

Ngoài việc tiết kiệm chi phí cho bản thân khi mua đồ second hand, bạn hãy tự hào rằng mình đã làm một việc có ý nghĩa với môi trường, và trong nhiều trường hợp, còn đóng góp vào một công việc có ý nghĩa tốt nữa đấy. Và khi bạn rời khỏi Vương quốc Anh – hoặc khi bạn nghĩ rằng mình cần dọn dẹp tủ quần áo – bạn có thể cho hoặc bán lại tất cả những món đồ này và cảm thấy tự hào gấp bội ấy chứ!

Dưới đây là một vài lưu ý để bạn bắt đầu với văn hóa đồ cũ ở Vương quốc Anh…

Các cửa hàng đồ cũ, đồ cổ hay đồ…loại

‘Vintage’ nghĩa là cũ – những cũ có phong cách. Đó chính xác là những gì bạn sẽ tìm thấy tại những cửa hàng đồ cũ (vintage stores) ở Vương quốc Anh. Đây là những cửa hàng chuyên về một số nhãn hiệu thời trang nhất định, quần áo theo từng trào lưu (ví dụ như quần bò ống loe từ thập niên 70, hoặc những bộ váy flapper từ những năm 20) hoặc một số trang phục được săn lùng nhiều nhất. Cũng là hiệu đồ cũ (cổ) nên antique store khá giống với những cửa hàng vintage nhưng chuyên về đồ nội thất, nghệ thuật, những món đồ sưu tập hoặc trưng bày.

Ở một số cửa hàng tiền thu được sẽ dùng cho các công tác từ thiện, một số cửa hàng khác lại mua bán hàng hóa để lấy lợi nhuận. Thông thường những người chủ các cửa hàng này đều có thể kể cho bạn nghe về lịch sử của từng món trong cửa hàng của mình.

Điều đó có nghĩa là các cửa hàng vintage thường đắt hơn so với các cửa hàng từ thiện, nhưng vẫn đáng để xem qua hoặc để chọn cho mình một bộ cánh tinh tế cho những sự kiện quan trọng. Thậm chí những cửa hàng đồ cổ sang trọng nhất vẫn có những món hàng với giá khá mềm, phù hợp để làm quà tặng – và bạn chắc chắn sẽ tìm được các món đồ độc đáo trong các cửa hàng loại này. Tại sao bạn không thử gây ấn tượng với em trai hoặc chị gái mình với bản GỐC một tờ tạp chí The Times xuất bản từ Chiến Tranh Thế Giới II?

Nơi bạn có thể tìm thấy những món đồ với giá thấp hơn chính là junk shop – cửa hàng chuyên bán các món đồ loại. Cũng như các cửa hàng đồ cổ, chủ nhân của các cửa hàng đồ loại thường mua những món đồ cũ từ những người không sử dụng chúng nữa và bán lấy lời. Nhưng bạn đừng để từ ‘loại’ đánh lừa mình nhé – hãy xắn tay áo lên và tìm kiếm, bạn có thể sẽ bất ngờ khi tìm được các món đồ cổ cực xinh tại đây.

Các cửa hàng từ thiện

Cửa hàng từ thiện đầu tiên trên thế giới được mở cửa tại Vương quốc Anh, khi cộng đồng Wolverhampton Society dành cho người Khiếm thị đưa vào hoạt động lần đầu tiên vào năm 1899 cửa hàng bán các sản phẩm nhằm gây quỹ cho người khiếm thị. Ngày nay có hơn 9,000 cửa hàng từ thiện trên khắp nước Anh. Ý tưởng của các cửa hàng này rất đơn giản: mọi người đóng góp quần áo cũ, sách cũ, các bộ trò chơi hoặc các đĩa DVD của mình, thậm chí là bất cứ vật gì họ không dùng nữa. Cửa hàng sẽ bán các món hàng này, thường với giá rất thấp, và dùng tiền thu được để giúp đỡ những người cần hỗ trợ. Còn những món hàng nào không có ai mua sẽ được tái chế nếu có thể.

Cho dù bạn không có ý định mua thì việc dạo một vòng nhìn ngắm các món hàng ở Kingston Antiques Center cũng là một trải nghiệm thú vị (Ảnh © VisitEngland)

Tổ chức cứu trợ quốc tế Oxfam có hệ thống các cửa hàng lớn nhất ở Anh – trên 700 cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm 70 cửa hàng sách (những nhà sách cũ ở Anh cũng là nơi mà bạn nên ghé qua!).

Ở những cửa hàng từ thiện khác trên khắp đất nước, bạn có thể mua hoặc đóng góp quần áo cũ để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư (Marie Curie Cancer Care), động vật (PDSA hoặc RSPCA), người lớn tuổi (Age UK), hay trẻ em (Save the Children) và hàng trăm tổ chức cứu trợ khác. Một số cửa hiệu từ thiện hiện nay còn có cả website – bạn có thể mua trực tuyến nếu không thể tìm thấy cửa hàng nào gần nơi mình sống.

Các cửa hàng từ thiện này hoàn toàn được vận hành bởi các tình nguyện viên. Tùy vào các quy định visa của bạn và quy định của từng trường đại hay cao đẳng mà bạn đang theo học, bạn có thể dành ra vài tiếng để làm việc tại các cửa hàng nơi mình đang sinh sống. Đây sẽ là cơ hội rất tuyệt để bạn gặp gỡ người dân địa phương, đồng thời làm đẹp hơn CV của mình! Để biết thêm chi tiết bạn có thể ghé thăm trang Charity Retail Commission.

Trao đổi hàng hóa trên mạng

Freecycle, Freegle, Swapz… chính là những chợ trao đổi hàng miễn phí đã có mặt tại Vương quốc Anh. Bạn chỉ cần đăng nhập vào các trang web trên và sẽ tìm thấy cả cộng đồng trao đổi hàng tá những món hàng mà họ cần thanh lý. Thông thường, bạn có thể đăng tải các tin tức dạng ‘cần tìm’ hoặc quảng cáo về một vật dụng mà bạn muốn thanh lý. Bạn có thể sắp xếp việc trao đổi thông qua các tin nhắn trực tuyến, gửi qua bưu điện hoặc tự đến lấy đồ. Thật là đơn giản và bạn không mất bất kỳ khoản phí nào.

Những trang này cho phép bạn cho đi hoặc nhận lại các vật dụng bất cứ khi nào bạn muốn, tuy nhiên một số trang web khác như Swapit và Swishing có một hệ thống nơi bạn có thể tích điểm bằng cách cho đi các vật dụng, và sau đó sử dụng số điểm này để ‘mua’ các vật dụng mới. Khá nhiều trường cao đẳng và đại học có hẳn các trang web dạng này dành cho sinh viên trong trường. Đây là nơi trao đổi sách, tài liệu học tập từ các sinh viên khóa trước – và chuyển lại cho các khóa tiếp theo.

Như thường lệ, bạn nên cẩn trọng khi gặp bất cứ ai thông qua những cuộc hẹn online thế này. Tốt nhất bạn không nên đi một mình, ngay cả khi chỉ là đi lấy khuôn làm bánh quy để thử nướng bánh! Rất nhiều trang web có tính năng bảo đảm an toàn. Nếu như bạn cảm thấy nghi ngại thì đây chính là gợi ý tốt để bạn xem xét.

Những phiên chợ ngoài trời

Một số món quà xinh xắn tại chợ phiên Spitalfields, phía đông London (Ảnh ©Joanna Henderson)

Bạn đã bao giờ nghe đến ‘car boot sale’ chưa? Car boot sale chính là một trong những hình thức chợ trời – nơi mọi người đậu xe vào một khu vực được định sẵn và bắt đầu mở thùng xe phía sau ra để…bày bán những mặt hàng second-hand mà mình đang muốn thanh lý. Khi đó những chiếc ô tô này bỗng chốc trở thành những cửa hiệu nho nhỏ với vô vàn mặt hàng đa dạng! Nếu là người ‘đi chợ’, bạn không cần dùng đến một chiếc xe đâu – mọi người đều được chào đón để dạo một vòng tại phiên chợ car boot sale này và chọn cho mình một hai món hàng. Biết đâu được một người đàn đứng tuổi trong chiếc Skoda kia hóa ra lại là người sở hữu chiếc đồng hồ quả lắc nổi tiếng từ thế kỷ 19 mà bạn vẫn hằng ao ước?

Trao đổi hàng hóa và gặp gỡ bạn bè

Quần áo mới, bạn bè mới – cả hai đều là những điều rất tuyệt phải không nào, vậy thì hãy nhanh chóng biến chúng thành sự thật thôi nào!

Swishing parties – ‘tiệc’ trao đổi đồ (hay còn có tên gọi khác là ‘swap shop, clothes swap, frock exchange, shwopping’ trong tiếng Anh) là xu hướng mới nhất trong làn sóng thời trang tại Anh và đang rất thịnh hành trong lịch sinh hoạt của các câu lạc bộ sinh viên. Hãy đem tất cả quần áo và đồ dùng mà bạn muốn ‘tống khứ ra khỏi tủ’ đến đây. Tại một số sự kiện bạn sẽ có cả một góc cho riêng mình để tha hồ giao dịch, trong khi một số nơi khác có thể yêu cầu bạn phải mang hay mặc lên người tất cả những ‘món hàng’ mà bạn muốn trao đổi (thông thường nơi này sẽ có phòng thay đồ dành cho người tham dự).

Hãy để mắt đến những event tại trường của mình bạn nhé – nếu không thì hãy tạo nên một buổi tiệc swishing của riêng mình! Bạn có thể tham khảo các hướng dẫn tổ chức một buổi tiệc như thế này tại đây.

Ngoài ra hãy ghé qua những buổi bán đồ cũ – jumble sales hoặc bring-and-buy sales, thường được tổ chức tại nhà thờ hoặc quảng trường lớn trong vùng, đôi khi cũng có những buổi bán hàng được tổ chức tại các quán café hoặc pub. Hoạt động này sẽ thường được quảng cáo ở địa phương bạn sinh sống. Và điều tuyệt vời nhất chính là, tại các buổi jumble sales cũng như bring-and-buy sales thường có những chiếc xe đẩy bán các món bánh, bánh quy và mứt tự làm tại nhà (home-made). Và dĩ nhiên không giống như các mặt hàng khác, đây không phải là những món đồ second-hand đâu nhé! Bạn sẽ tìm thấy những chiếc bánh mới vừa nướng xong cùng những món tráng miệng hấp dẫn – phần thưởng đáng giá nhất dành cho chính mình sau một buổi shopping đã đời!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét